Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhận định, Diễn đàn Kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi song đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

“Có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước, cuối năm khó khăn hơn so với đầu năm đòi hỏi chúng ta cần có biện pháp ứng phó linh hoạt để lội ngược dòng thành công”, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nói.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, nhiều năm qua đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kéo theo thách thức lớn về tỉ giá, đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động…

Trong khi, các vấn đề bất cập tích tụ trong nhiều năm như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán bộc lộ rõ hơn trong đại dịch COVID-19, đã ảnh hưởng và trực tiếp tác động lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ rủi ro về hệ thống không nhỏ.

“Vận dụng nguyên tắc dĩ bất biến, ứng vạn biến, Việt Nam đã thực hiện các chính sách vừa tập trung chống dịch, thích ứng với các sức ép từ bên ngoài, tháo gỡ các điểm gỡ ở bên trong, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, củng cố niềm tin của nhân dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp”, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Vẫn theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, nhưng chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, trở ngại không thể kịp khắc phục trong một sớm một chiều.

Nhấn mạnh Diễn đàn kinh tế – xã hội năm 2023 không chỉ bàn về những vấn đề trước mắt, mà giải quyết những vấn đề trước mắt để đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, vấn đề quan trọng mà Diễn đàn nêu ra là nâng cao năng suất lao động là phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Bởi điều này gắn liền với việc khởi tạo hai quá trình chuyển dịch cơ bản của nền kinh tế, bao gồm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực. Tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng doanh nghiệp, từng ngành và từng vùng kinh tế.

Nhìn lại những nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được và cả những điều chưa làm được trong năm 2023 và qua nửa nhiệm kỳ 2021 – 2025, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần tiếp tục kế thừa ba bài học kinh nghiệm sâu sắc đã đúc kết được.

Đó là, bài học về hoán chuyển những rủi ro, thách thức từ bên ngoài trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tạo ra sự phân mảng, đứt gãy của nền kinh tế thế giới, sự dịch chuyển, phân tách của các chuỗi cung ứng toàn cầu trở thành cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò tâm điểm kết nối, thu hút các dòng vốn đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu.

Bài học về vượt khó và càng trong khó khăn, càng cần phải chú ý đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, tích cực hỗ trợ những người lao động, người nghèo trước nguy cơ bị mất việc làm, thu nhập giảm sút và giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu gia tăng.

Đây cũng là dịp để phát huy vai trò của hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội, những mô hình độc đáo, nhân văn như tín dụng chính sách xã hội trong việc mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người dân có thu nhập thấp, thúc đẩy bình đẳng giới, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ phương châm phát triển vì con người, đặt người dân ở trung tâm của quá trình phát triển, ổn định để phát triển và phát triển để đảm bảo tăng trưởng bền vững, mà Việt Nam đã kiên định tiến hành qua gần 40 năm đổi mới.

Bài học trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách trên nguyên tắc: phải bám sát chương trình, kế hoạch hành động; chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề ra những giải pháp khả thi, bám sát thực tiễn gắn với cụ thể hoá, cá thể hóa trách nhiệm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với uỷ quyền, trao quyền và giao quyền cụ thể; đổi mới tư duy và phương thức phân bổ nguồn lực…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *