Tin tưởng vào sự ổn định tỷ giá

Tỷ giá VND/USD trong những ngày qua đã biến động khá mạnh, có thời điểm tỷ giá niêm yết tại các NHTM lớn và nhóm tư nhân vượt ngưỡng 24.500VND/USD, dẫn đến lo ngại một “kịch bản” căng thẳng tỷ giá lặp lại như giai đoạn nửa cuối năm 2022 và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng sẽ lại phải sớm can thiệp bằng việc dâng lãi suất, hoặc bán dự trữ ngoại hối, ổn định cung-cầu và hạ nhiệt tỷ giá.

Tuy nhiên, cho đến trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp 2 ngày đã công bố giữ nguyên lãi suất Fed Fund Rate (FFR) ở mức 5,25 – 5,50%, mức lãi suất chính sách cao nhất trong vòng 22 năm qua của cơ quan này, tỷ giá VND/USD đã điều chỉnh giảm.

Đáng chú ý, trong hôm 21/9, động thái phát hành 10 nghìn tỷ tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước được xem là một bước “phản ứng” chính sách mà giới chuyên môn đánh giá vô cùng tích cực, khi như dự báo Fed đã không tăng lãi suất trong kỳ họp, nhưng cơ quan quản lý thị trường tiền tệ quốc gia vẫn phải có quyết sách nhất định để can thiệp nhằm giảm áp lực tỷ giá trong bối cảnh hệ thống dư thừa thanh khoản, hấp thụ vốn yếu, lãi suất liên ngân hàng về gần cận 0.

Với quy mô 10 nghìn tỷ tín phiếu, các chuyên gia đánh giá đây là quy mô hút tiền vừa nhỏ, mặt khác lãi suất trúng thầu cũng thấp, gần 0,7%, song dù hiệu quả của quyết sách hút tiền chưa thể hiện ngay nhưng ít nhiều được cho có tác động vào tâm lý thị trường. Nhóm phân tích của CTCK Maybank Investment Bank (MSVN) nhận định: Qua động thái này, có thể thấy rằng:

Thứ nhất, ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn còn dư thanh khoản. Vì vậy lãi suất huy động và cho vay thực tế sẽ còn giảm.

Thứ hai, động thái hút tiền của NHNN là tín hiệu cho thấy NHNN đang sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá. Theo tìm hiểu, MSVN cho rằng NHNN đang quan sát thận trọng trạng thái thanh khoản để đưa ra các chính sách phù hợp. Chắc chắn, NHNN không muốn lặp lại tình trạng đứt gãy thanh khoản cho nền kinh tế.

Nhóm phân tích MSVN cũng dự phóng rằng trong kịch bản phục hồi tốt (lãi suất cho vay hạ nhiệt nhanh từ cuối quý 3), thì tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 12% năm nay, so với mục tiêu 14-15% của NHNN.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Trong khi trước đó, NHNN cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022.
Tín dụng tăng chậm do nhu cầu vốn của các ngành (ngoài bất động sản) còn chậm, và lãi suất cho vay thực tế còn cao.

“Với tiến độ tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 9 như vậy, chúng tôi cho rằng 12% có lẽ sẽ là kịch bản tốt nhất năm nay. Chúng tôi cho rằng NHNN năm nay (khác với năm ngoái) đang chủ động hơn rất nhiều trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất. Không có sự kiện thiên nga đen (ví dụ vụ Vạn Thịnh Phát như năm ngoái), NHNN năm nay hoàn toàn có khả năng đạt cả mục tiêu giữ tỷ giá ổn định và duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ phát triển kinh tế như phát biểu của Thống đốc và Phó thống đốc gần đây. Chúng tôi tin rằng lãi suất huy động còn giảm (mặc dù sẽ ít hơn) và lãi suất cho vay sẽ giảm nhiều hơn”, các chuyên gia khẳng định.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết thực tế trong thời gian ngắn gần đây, cung – cầu tỷ giá VND/USD không hề có diễn biến bất thường. Chúng ta đang có nhiều dư địa để có thể kiểm soát tỷ giá theo mục tiêu.

“Tỷ giá thời gian qua có tăng, một phần do yếu tố tác động tâm lý trong ngắn hạn.Trong đó, có kỳ vọng tăng tỷ giá làm tác động ngược lên thị trường. Tuy nhiên, với chính sách điều hành của NHNN như hiện tại, doanh nghiệp, người dân hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào sự ổn định tỷ giá, với biên độ dao động như mục tiêu NHNN đặt ra. Cùng với đó, như Thống đốc NHNN đã khẳng định, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt theo hướng hỗ trợ phục hồi sản xuất và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Những tín hiệu tích cực hơn từ tăng trưởng tín dụng xuất hiện từ tháng 8 đã cho thấy các chính sách điều hành đã bắt đầu phát huy hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *