Kiểm tra học trò “kêu bất chợt, hỏi bất chợt”, nên hay không?

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa thông báo sẽ bỏ yêu cầu kiểm tra bài đầu giờ cho học sinh. Lý do vì cách làm này được cho sẽ khiến học sinh căng thẳng, thậm chí có thể có tính chất “bạo hành” tinh thần của học sinh.

Sau khi tin này công bố trên báo chí, và lan truyền qua mạng xã hội, thì có hai luồng ý kiến. Một luồng ủng hộ, cho rằng đây là việc nên làm để giảm bớt gánh nặng học hành cho các con. Một luồng nghi ngại, vì họ cho rằng nếu bỏ kiểm tra đầu giờ với học sinh vì sợ các con thấy căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, thì trẻ sẽ học bài và làm bài thế nào. Hơn nữa, đã là học sinh tới trường thì phải có nhiệm vụ phải học bài, thuộc bài. Thầy, cô có thể gọi hỏi bất cứ lúc nào và học sinh phải sẵn sàng cho việc trả lời.

Trước hết, chúng ta thử nhìn vào giáo dục của các quốc gia tiên tiến trên thế giới để xem họ làm như thế nào.

Ở nhiều nước, các trường học không có lệ kiểm tra bài đầu giờ bất chợt, kiểu kiểm tra miệng lấy điểm cho học sinh như ở ta xưa nay. Nói chung các bài thi chính thức luôn được báo trước cho các em, và theo định kỳ; còn hỏi đáp trong giờ học thì có nhưng không phải là kiểu kiểm tra bài đầu giờ “kêu bất chợt, hỏi bất chợt”.

Các bài kiểm tra được thiết kế đa dạng, học sinh có thể làm trên lớp như bài viết, bài thuyết trình, hoặc làm tại nhà rồi tới trường nộp dự án, có thể có cả bài làm tại chỗ và bài làm online. Các bài thi làm theo từng cá nhân hoặc theo nhóm.

Như đã nêu ở trên, thầy cô vẫn kiểm tra kiến thức, xem xét hiểu biết của học sinh trong lớp bằng cách nêu câu hỏi và cho các con trả lời. Thậm chí là thầy cô sử dụng phương pháp dạy bằng cách ra câu hỏi và từ đó giúp học sinh tự tìm ra chân lý.

Điều này có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng các phương pháp học tập và kiểm tra tiến bộ. Khi kiểm tra thì không cần đánh đố, có báo trước cho học sinh chuẩn bị cẩn thận. Nhưng đồng thời lại có thể áp dụng cách học tập và kiểm tra kiến thức qua hỏi đáp trong giờ học và gợi mở qua chia sẻ thông tin, suy nghĩ, từ đó thôi thúc học sinh tự tìm cho mình những gì cần thiết để hiểu, để biết, để thực hành và sáng tạo.

Muốn làm điều này tốt nhất, thì thầy cô chỉ nên sử dụng sách giáo khoa như một trong số các tài liệu để dạy học trò, chứ không phải tài liệu duy nhất. Từ đó mới có thể mở rộng danh mục cho các em học hành và nghiên cứu, tìm tòi. Trên nền tảng này, cho phép học sinh suy nghĩ đa chiều, thậm chí lật đi lật lại vấn đề cho tới khi hiểu rõ và hiểu sâu mọi chuyện.

Và như vậy, cách thức kiểm tra các con có thể đa dạng, từ kiểm tra chi tiết cốt lõi trong các bài học, cho tới việc đưa ra vấn đề, chủ đề để đào sâu suy nghĩ, tìm giải pháp.

Đây là cách giúp các con học một hiểu mười, và học tập tại trường là kiến thức cơ bản, gợi ý, còn lại các con sẽ tự học, tự tìm tòi, tự khám phá, tự đọc sách. Qua đó sẽ đẩy mạnh nếp đọc sách của học trò.

Tóm lại, việc cắt bỏ chuyện kiểm tra “miệng” đầu giờ với học sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM là một chuyện nên làm. Nhưng việc này sẽ chỉ có tác dụng nếu coi đây là một phần của hệ thống giải pháp giáo dục đồng bộ, trong đó phương pháp thôi thúc khám phá, học hỏi, học bằng việc đặt ra câu hỏi, đặt ra vấn đề cần giải quyết để cho học trò đưa ra giải pháp qua tìm tòi, khám phá sẽ là chủ đạo.

Với các giải pháp đồng bộ, thầy cô sẽ hào hứng hơn khi thực sự là bậc tiền bối hướng dẫn, khơi gợi, thôi thúc học sinh khám phá chân trời kiến thức. Còn từng học sinh sẽ hào hứng hơn khi vào lớp học vì không quá áp lực trước các bài kiểm tra do đã được báo trước ngày giờ, cho thời gian để chuẩn bị.

Một phương pháp hay của giáo dục Mỹ mà chúng ta cũng có thể tham khảo, đó là cho phép sai và học hỏi từ cái sai. Ví dụ như học trò làm bài tập ở nhà qua các app trên mạng mà thầy cô cung cấp. Khi làm các bài Toán mà bị sai, máy sẽ báo đáp số cho các con là sai hay đúng. Nếu sai 3 lần các con vẫn được tính điểm, dù có thể ít điểm hơn các con làm đúng ngay từ lần đầu. Cách này giúp các con không sợ sai.

Thực tế đã chứng minh sự cho phép sai và học hỏi từ sai lầm, cho phép học hỏi và khám phá trong sự tự do, sự yêu thích, sự đam mê sẽ giúp cho học sinh tự tin và tiến bộ rất nhanh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *