Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, được về hưu

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi vừa được Chính phủ hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, trong đó nội dung về giảm điều kiện về số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm sẽ nhận lương hưu cơ bản được thống nhất.

Cụ thể, tại Điều 63 quy định về điều kiện hưởng lương hưu của dự luật quy định: Người tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện có 15 năm đóng BHXH được nghỉ hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động (áp dụng theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi của Bộ luật Lao động năm 2019).

Về mức hưởng lương hưu hằng tháng, bằng 45% tiền lương bình quân tháng đóng BHXH khi nữ đóng 15 năm, nam đóng 20 năm, sau đó mỗi năm đóng BHXH cộng thêm 2% vào lương hưu, lương hưu tối đa 75% mức lương tính đóng.

Do điểm tính tỷ lệ lương hưu khác nhau giữa nam và nữ nên khi áp dụng quy định được nghỉ hưu có lương (khi đóng BHXH tối thiểu 15 năm), dự luật bổ sung thêm cách tính tỷ lệ lương hưu với nam từ 15 tới dưới 20 năm.

Cụ thể, tới tuổi nghỉ hưu, nam đóng BHXH từ 15 tới dưới 20 năm sẽ được nhận lương hưu theo số năm đóng, mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% bình quân tháng lương tính đóng BHXH. Nếu nam có 15 năm đóng BHXH, lương hưu được nhận tương đương 33,7% tiền lương tháng tính đóng. Sau đó, mỗi năm đóng cộng thêm 2,25% cho tới năm thứ 20 (đạt 45% tiền lương tính đóng); từ năm đóng thứ 21 trở đi, mỗi năm người lao động đóng BHXH đóng được cộng thêm 2% vào lương hưu.

Về vấn đề nghỉ hưu trước tuổi, người lao động được nghỉ hưu trước tối đa 5 hoặc 10 tuổi so với tuổi hưu chung, căn cứ theo điều kiện làm việc, suy giảm khả năng lao động (mất sức lao động) sẽ bị trừ 2% lương hưu cho mỗi năm nghỉ trước, và phải đóng BHXH tối thiểu 20 năm.

Cụ thể, người lao động được nghỉ hưu trước 5 tuổi (so với tuổi chung) khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc mất mức lao động từ 61% tới dưới 81%.

Người lao động được nghỉ hưu trước 10 tuổi khi có 15 năm làm việc nặng nhọc, hoặc làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm ở vùng kinh tế khó khăn hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên…

Lương hưu được điều chỉnh tăng trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH, do Chính phủ ban hành.

Đa số ý kiến đồng thuận

Trước đó, khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi liên quan tới giảm số năm đóng BHXH để có lương hưu từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng và bao quát đề xuất này.

Ý kiến thẩm tra sơ bộ của cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội cho rằng, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là phù hợp với định hướng của Đảng (tại Nghị quyết 28-NQ/TW) và một số cơ quan của Quốc hội khi tham gia thẩm tra dự luật.

Sửa đổi trên nhằm thu hút thêm nhóm người lao động tham gia đóng BHXH muộn (từ 45 đến 55 tuổi), nhóm đã hưởng BHXH một lần có cơ hội được trở lại đóng tiếp và có lương hưu. Cùng với đó, việc tiếp cận lương hưu dễ dàng hơn (số năm đóng BHXH ít hơn) sẽ khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH lúc nghỉ việc để nhận lương hưu khi tới tuổi, bên cạnh đó họ có thêm cơ hội giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh thay vì nhận BHXH một lần…

Với cách tính tỷ lệ lương hưu sau khi giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để có lương hưu, khởi điểm lương hưu với nam sẽ bằng 33,7% tiền lương tháng tính đóng, nữ bằng 45% lương tháng tính đóng.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nhìn nhận, khi giảm số năm đóng BHXH để có lương hưu xuống 15 năm, mức lương hưu tối thiểu theo số năm đóng tối thiểu này sẽ khiêm tốn hơn so với mức mà người đóng BHXH thời gian dài nhận. Tuy nhiên, khi có lương hưu ổn định hằng tháng, Nhà nước điều chỉnh tăng, cùng với chế độ bảo hiểm y tế suốt thời gian nhận lương hưu, khi người nghỉ hưu chết, người thân được nhận chế độ tử tuất, thế nhưng chế độ này sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống về già của người lao động.

Tuy nhiên, cơ quan của Quốc hội vẫn đề nghị Chính phủ giải trình kỹ và thuyết phục về: Đề xuất giảm năm đóng BHXH tối thiểu (để có lương hưu xuống 15 năm), đặc biệt là ở khía cạnh nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ của BHXH; Mức sàn an sinh tối thiểu; thay đổi này có tạo điều kiện cho người lao động nhận BHXH một lần hay nhiều lần không?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH- cơ quan chủ trì dự thảo luật này) cho hay, theo thông lệ quốc tế, để được hưởng lương hưu, người lao động phải đạt điều kiện về tuổi và số năm đóng BHXH tối thiểu. Với điều kiện tối thiểu 20 năm đóng BHXH mới có lương hưu như hiện hành, thời gian qua, có gần 500 nghìn người nhận BHXH một lần (người đã đóng trên 10 năm đóng BHXH và trên 40 tuổi); hơn 53.000 người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ 20 năm đóng BHXH nên phải nhận một lần; hơn 20.000 người phải đóng bổ sung đủ số năm để nhận lương hưu.

Do đó, Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để có lương hưu còn 15 năm sẽ tạo cơ hội cho nhiều người có lương hưu, được đảm bảo về bảo hiểm y tế, giúp giảm số người nhận BHXH một lần. Trường hợp đóng BHXH lâu hơn sẽ có mức lương hưu cao hơn.

Nguồn: https://tienphong.vn/dong-bao-hiem-xa-hoi-15-nam-duoc-ve-huu-post1571563.tpo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *